Thứ Bảy, 04/05/2024 21:04

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  17/02/2015 22:31     

Kết quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2014 và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới

 

Năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng do sự sụt giảm của kinh tế thế giới, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, khó tiêu thụ sản phẩm; kim ngạch xuất khẩu giảm, việc thu hút các dự án đầu tư còn chậm... công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) phần lớn còn gặp nhiều khó khăn về đời sống, việc làm và hoạt động của công đoàn cơ sở (CĐCS) còn nhiều hạn chế.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tìm hiểu về đời sống việc làm của CNLĐ tại Khu CN Suối Dầu

Vẫn còn một số cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, thủ trưởng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm hoặc còn lúng túng trong việc triển khai cụ thể hóa trong việc chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở; năm 2014, là năm đầu tiên triển khai Nghị định 60/2013/NĐ-CP, ngày 19/6/2013 của Chính phủ về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp, nên còn nhiều khó khăn cả về nhận thức và cách thức triển khai thực hiện.

Việc tham gia thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/12/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, Công đoàn Khánh Hòa luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp.

LĐLĐ tỉnh đã  báo cáo tình hình và tham mưu cho Tỉnh ủy trong việc chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai việc thực hiện QCDC ở cơ sở, kể cả việc kiểm tra, tập huấn về QCDC trong các cấp, các ngành và doanh nghiệp; tham gia cùng Sở LĐTBXH tham mưu UBND tỉnh triển khai Kế hoạch số 5592/KH-UBND, ngày 12/9/2014 về việc thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP; chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm, hội thảo, tuyên truyền vận động CNVCLĐ tham gia xây dựng và thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP; đã xây dựng Kế hoạch số 30/KH-LĐ, ngày 11/8/2014 về việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (Khóa XI), về ”Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, và ”Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

Căn cứ Hướng dẫn 1755/HD-TLĐ, ngày 20/11/2013 của Tổng Liên đoàn về việc công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng văn bản mẫu về QCDC ở cơ sở, quy chế đối thoại (QCĐT), quy chế tổ chức Hội nghị người lao động (HN NLĐ) ở các doanh nghiệp để các cấp công đoàn và doanh nghiệp vận dụng xây dựng, triển khai.

Ngay từ đầu năm, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn phối hợp với chuyên môn tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức (HN CBCC, VC), HN NLĐ, ký kết, bổ sung, sửa đổi thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT), xây dựng các nội quy, quy chế... bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phát huy được tính dân chủ trong cơ quan, đơn vị; đã có 1033/1033 cơ quan hành chính sự nghiệp, xã, phường thị trấn, trường học tổ chức HN CBCC, VC (đạt 100%). Hầu hết CĐCS khối cơ quan hành chính sự nghiệp đã xây dựng tốt quy chế quan hệ công tác giữa thủ trưởng cơ quan và Ban Chấp hành công đoàn, việc thực hiện dân chủ trong trường học được thực hiện tốt, đã cụ thể hóa đến từng loại hình trường học.

Việc tổ chức HN NLĐ trong các loại hình doanh nghiệp theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP, đã có 246/380 doanh nghiệp (đạt 65%), trong đó 25/25 doanh nghiệp nhà nước, đạt tỷ lệ 100%, 17/26 doanh nghiệp FDI, đạt tỷ lệ 65%, 204/329 doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt tỷ lệ 62%.

Có 307/380 doanh nghiệp có TƯLĐTT, đạt tỷ lệ 81%, trong đó có 278/307 TƯLĐTT đang còn hiệu lực đạt tỷ lệ 90%. Số TƯLĐTT có chất lượng là 217/278 trên tổng số bản thỏa ước đang còn hiệu lực đạt 78%. Có 728/1058 Ban thanh tra nhân dân đang hoạt động có hiệu quả (đạt 69%).

Việc tổ chức đối thoại định kỳ theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai và thực hiện, mới có trên 285/1520 cuộc đối thoại được tổ chức, đạt tỉ lệ 18%, có khoảng 439 văn bản QCDC cơ sở, Quy chế tổ chức HN NLĐ và QCĐT định kỳ.

Thông qua việc tham gia thực hiện về QCDC ở cơ sở, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp trong tỉnh được nâng lên rõ rệt, các phong trào của công đoàn đã thu hút đông đảo CNVCLĐ tích cực hưởng ứng tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực. Việc được tham gia, quyết định và giám sát các nội dung như thực hiện các chế độ chính sách, công tác thi đua khen thưởng… đã tạo được niềm tin, động lực cho CNVCLĐ từng bước phát huy quyền làm chủ thực sự của mình, góp phần xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, củng cố lòng tin của quần chúng với cấp ủy đảng, chính quyền cũng như tổ chức công đoàn.

Có thể khẳng định việc Công đoàn Khánh Hòa tham gia thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2014, đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, gắn với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tốt, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, đòi hỏi các cấp công đoàn cần tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, nghiệp vụ và phương pháp hoạt động cho ban chấp hành công đoàn cơ sở, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện QCDC ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu tình hình hiện nay, đó là:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; có nhiều hình thức đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, đến tất cả mọi đối tượng trong các doanh nghiệp.

2. Tham mưu việc kiện toàn, củng cố ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở với việc phải có đại diện công đoàn cơ sở tham gia ban chỉ đạo, chú trọng đối với xã, phường, thị trấn; đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện QCDC đối với các loại hình cơ sở; rà soát bổ sung, ban hành các quy chế, quy định có liên quan đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở, trọng tâm là quy chế hội nghị người lao động, quy chế đối thoại, quy chế thi đua – khen thưởng, quy chế phối hợp giữa giám đốc và ban chấp hành công đoàn.

3. Tổ chức hoặc tham gia tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ về thực hiện QCDC cho cán bộ công đoàn, cán bộ quản lý... đưa việc thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu; nâng cao chất lượng HN CBCC, VC, HN NLĐ đúng quy định; tổ chức sơ, tổng kết, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở.

4. Kiến nghị việc ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 71/1998/NĐ-CP, ngày 08/9/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, và Thông tư Liên tịch số 09/1998/TTLT-TCCP-TLĐLĐ, ngày 04/12/1998 của Ban tổ chức – Cán bộ Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn về tổ chức và nội dung hội nghị cán bộ, công chức trong cơ quan, hiện có nhiều bất cập cần sửa đổi, nhất là ở cấp xã và các phòng, ban trực thuộc cấp huyện.

     Lê Xuân Hải - Phó Chủ tịch LĐLĐ Khánh Hòa

 

                         

  

 

 

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9975111
Online
Hiện có: 57   Khách