Thứ Tư, 15/05/2024 02:44

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  26/07/2016 00:00     

CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG KHÁNH HOÀ - TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG 87 NĂM CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (28/7/1929 - 28/7/2016)

Nguyễn Hoà

                                  Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hoà


Lãnh đạo Tỉnh uỷ và LĐLĐ tỉnh trao biểu trưng cho các cán bộ CĐ tiêu biểu xuất sắc

Ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội đã diễn ra một sự kiện trọng đại của phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam: Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng. Lần đầu tiên ở Việt Nam đã liên kết các Công hội Đỏ địa phương thành một tổ chức Công hội thống nhất – Tổng Công hội Đỏ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay. 

Kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2016), chúng ta tự hào về tổ chức Công đoàn có một truyền thống lịch sử thật vẻ vang. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Công đoàn luôn làm tốt nhiệm vụ vận động, tổ chức và tập hợp công nhân lao động một lòng đoàn kết, gắn bó với nhau dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, tổ chức Công đoàn nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng phát triển và lớn mạnh như ngày hôm nay.

Ngay từ khi mới ra đời, trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, Công đoàn đã tập hợp giáo dục công nhân đấu tranh chống phong kiến, thực dân, đòi quyền dân sinh, dân chủ và đã góp phần to lớn vào cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tổ chức Công đoàn đã động viên công nhân lao động vượt khó khăn, thiếu thốn, ra sức thi đua sản xuất, kháng chiến kiến quốc cùng dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, góp phần kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của dân tộc ta. Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, Công đoàn đã vận động đoàn viên, công nhân lao động đẩy mạnh sản xuất, xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Công nhân lao động miền Nam cùng nhân dân cả nước nhiều phong trào đấu tranh sôi nổi, quyết liệt mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của giai cấp tiên phong và dân tộc anh hùng, dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đã và đang đóng vai trò quan trọng, đi đầu trong thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng. Công đoàn Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động và ngày càng có vai trò to lớn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động.

Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn với nhiều quy định cụ thể, tiến bộ, bảo đảm quyền tổ chức và hoạt động Công đoàn (CĐ); Hiến pháp năm 2013 với Điều 10 nói về Công đoàn có sự kế thừa lịch sử và phát triển phù hợp với lý luận và thực tiễn, không chỉ cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công nhân - Công đoàn mà còn khẳng định sự nhìn nhận của toàn xã hội về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa cũng như vị trí của CĐ trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và CNVCLĐ.

Công nhân lao động Khánh Hoà, chúng ta càng tự hào hơn, cách đây 87 năm, ngày 24/12/1929, Công hội Khánh Hoà ( tiền thân của LĐLĐ Khánh Hoà ngày nay) đã ra đời; năm 2016 Công đoàn Khánh Hoà cũng đã có truyền thống 87 năm (24/12/1929-24/12/2016). Tại địa phương tỉnh Khánh Hoà, tháng 12/1929 những cơ sở của Đảng Tân Việt được chuyển sang Đông Dương Cộng sản Liên đoàn; sau khi Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Khánh Hoà được thành lập; Tỉnh uỷ Khánh Hoà thành lập Công hội Khánh Hoà và phân công đồng chí Trần Đình Giáp, tỉnh uỷ viên, công nhân ngành hoả xa phụ trách, và từ đó phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Khánh Hoà ngày càng phát triển lớn mạnh.

Những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã nổ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên và người lao động; tổ chức thực hiện các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sánh tạo; giỏi việc nước đảm việc nhà; thực hiện cuộc vận động trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu; xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; đảm bảo an toàn lao động…Công tác từ thiện xã hội của các cấp công đoàn ngày càng mở rộng và có hiệu quả thiết thực đối với cộng đồng. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phong trào công đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng thực sự hướng về cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đại đa số đoàn viên và người lao động. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; Công đoàn Khánh Hòa ngày đến nay có 9 LĐLĐ cấp huyện, 11 công đoàn cấp ngành và tương đương, 02 đơn vị sự nghiệp là Nhà văn hoá Lao động, Nhà khách, 1.512 CĐCS và hơn 86 ngàn đoàn viên công đoàn, có gần 100 CBCĐ chuyên trách, trên 4.500 CBCĐ không chuyên trách, làm việc kiêm nhiệm công tác công đoàn ở cơ sở.

Trong thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tổng LĐLĐ VN, Tỉnh uỷ Khánh Hoà, các cấp ủy đảng; sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả của các cấp chính quyền, sự cộng tác của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đặc biệt là sự đóng góp quan trọng, có tính quyết định của đội ngũ CNVCLĐ, cán bộ, đoàn viên công đoàn ở các CĐCS, cán bộ công đoàn chuyên trách các cấp.

Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong thời gian tới, các cấp Công đoàn trong tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 4 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2013-2018 là: (1)“Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; Phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn giai đoạn 2013-2018”, (2)“Nâng cao nhận thức pháp luật lao động cho đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước”, (3)“Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; nâng cao chất lượng trong xây dựng, thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp”, (4) “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn”; triển khai thực hiện chương trình hành động của LĐLĐ tỉnh thực hiện Nghị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Nghị quyết của hội nghị BCH Tổng Liên đoàn lần thứ 8, nhiệm kỳ 2013-2018.

Đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đòi hỏi tổ chức CĐ phải thay đổi tận gốc phương thức hoạt động thì mới bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích của NLĐ; cán bộ CĐ phải thực sự là những thủ lĩnh của NLĐ, phải hiểu được NLĐ muốn gì và phải đấu tranh bảo vệ cho được quyền lợi chính đáng của NLĐ. Làm được điều này, dù có một tổ chức đại diện nào ra đời đi chăng nữa nhưng nếu NLĐ thấy rằng tổ chức CĐ Việt Nam bảo vệ tốt quyền lợi cho họ thì nhất định họ sẽ tham gia tổ chức CĐVN.

Để bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, các cấp CĐ luôn tham gia hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ ký kết hợp đồng lao động với chủ DN; đại diện cho NLĐ xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể theo đúng quy định; giám sát, kiểm tra và thúc đẩy việc thực hiện những điều khoản đã được ký kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Ngoài ra, cần đại diện tập thể lao động thương lượng với chủ sử dụng lao động để giải quyết những yêu cầu, kiến nghị chính đáng; nếu cần thiết, phải tổ chức đình công để bảo vệ quyền lợi của NLĐ.

Luôn coi trọng việc tuyên truyền làm cho người lao động hiểu rõ về tổ chức công đoàn, quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, từ đó gia nhập tổ chức công đoàn và tích cực tham gia hoạt động công đoàn. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động công đoàn hướng về cơ sở, theo phương châm Công đoàn tỉnh sát CĐCS, công đoàn cấp ngành, huyện sát đoàn viên, người lao động; chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ.

 Đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đại diện công nhân, lao động để ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động; phát triển phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn; làm tốt công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; phấn đấu thực hiện phát triển vượt chỉ tiêu 8.000 đoàn viên trong năm 2016, thành lập các CĐCS, thành lập các nghiệp đoàn nghề cá thu hút ngư dân ở các xã phường ven biển có tàu thuyền đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, Trường Sa; xây dựng CĐCS vững mạnh; đẩy mạnh công tác nữ công công đoàn; phối hợp hoạt động với các tổ chức chính trị - xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nâng cao vị thế, vai trò của công đoàn trong xã hội.

Có thể khẳng định, quá trình hình thành và phát triển của tổ chức CĐVN là sự kết hợp hài hòa của phong trào CN với phong trào yêu nước của toàn dân tộc. Trải qua 87 năm hoạt động, CĐVN luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc, quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động, vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH;

CĐVN đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình là tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Luôn tạo nên những giá trị bền vững thể hiện bản chất của tổ chức CĐ; đó là gắn bó máu thịt với dân tộc, trung thành tuyệt đối với lý tưởng, lợi ích tối cao của dân tộc, của giai cấp và trung thành với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập; tinh thần triệt để cách mạng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị phù hợp với từng thời kỳ; trong hoạt động thực tiễn, CĐVN đã thể hiện vai trò tiên phong trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kiên trì phấn đấu, sáng tạo trong nội dung và phương thức hoạt động; hướng vào tập hợp, tổ chức, xây dựng giai cấp CNVN, bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của CN và NLĐ; có tinh thần quốc tế trong sáng, xây dựng được quan hệ hữu nghị và hợp tác với tổ chức CĐ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Mỗi cán bộ, đoàn viên, CNLĐ Khánh Hoà phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống vẻ vang 87 năm của giai cấp công nhân và tổ chức CĐVN, Công đoàn Khánh Hoà; nêu cao tinh thần quyết tâm công đoàn, khắc phục khó khăn, thử thách, đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội IX CĐ tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ (2013-2018), góp phần to lớn, xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 10013838
Online
Hiện có: 75   Khách