Chủ Nhật, 05/05/2024 02:05

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  16/10/2016 00:00     

Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần công nhân

Thiếu thiết chế văn hóa cùng với sức ép việc làm, thu nhập khiến nhu cầu vui chơi, giải trí của công nhân gần như bị lãng quên. Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho họ, UBND tỉnh vừa ban hành Đề án Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Thiếu thốn thiết chế văn hóa

Hiện nay, ở hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhà trẻ, khu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho công nhân. Đa số công nhân sau giờ làm việc đều trở về nhà, phòng trọ và không có địa điểm nào vui chơi, giải trí phù hợp. Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty Cổ phần Phụ liệu may Nha Trang (Cụm công nghiệp Diên Phú, Diên Khánh) cho biết: “Đi làm suốt cả ngày, về đến nhà trọ là tôi chỉ muốn nằm nghỉ và xem tivi một lát rồi đi ngủ. Lúc rảnh, chúng tôi cũng muốn đi chơi, muốn có chỗ ngồi đọc sách, gặp gỡ bạn bè cho khây khỏa, nhưng khu vực này ngoài quán cà phê thì không có chỗ nào khác để đi. Chúng tôi sống vầy riết thành quen. Thu nhập của chúng tôi mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, tằn tiện lắm mới đủ ăn, ở làm gì có tiền đi hát hò, vui chơi, mua sắm”.


Hiện nay, công nhân Khu công nghiệp Suối Dầu vẫn chưa có nơi sinh hoạt văn hóa.
Đa số công nhân ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tuổi đời còn trẻ, cuộc sống thiếu thốn vật chất, xa nhà khiến nhu cầu giải trí của họ càng thêm bức thiết. Nhiều hội thao, chương trình văn nghệ, giao lưu được các cấp công đoàn tổ chức dành cho công nhân nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể so với nhu cầu thực của họ. Sự thiếu thốn sân chơi, đời sống tinh thần công nhân còn gây nên nhiều hệ lụy. Anh Lê Văn Hùng, công nhân Công ty TNHH Phillips Seafood Việt Nam (Khu công nghiệp Suối Dầu, Cam Lâm) cho biết: “Ngoài giờ làm việc, công nhân nữ chỉ loanh quanh ở nhà trọ, còn đối với công nhân nam xa nhà, có ít tiền lương là nhậu không biết trời đất. Rảnh rỗi là đi cà phê xem phim cả ngày”. Anh Hùng cười buồn: “Không la cà quán xá thì biết đi đâu, xung quanh đây cả ngàn công nhân mà không có lấy một khu thiết chế văn hóa nào. Nhiều lúc thèm đá bóng, rũ nhau vào trung tâm huyện Cam Lâm mướn cái sân đá một trận hơn 200 ngàn đồng, đá được vài trận thì hết tiền nên lại thôi”.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay các khu công nghiệp, cùm công nghiệp trong tỉnh chưa có nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, nhà trẻ, trường mẫu giáo, bệnh viện, thư viện phục vụ công nhân. Sau giờ làm việc người lao động thường về nhà, phòng trọ. Bên cạnh đó, do chịu áp lực công việc căng thẳng, đại bộ phận công nhân không có thời gian và điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, thể thao, sinh hoạt cộng đồng. Mặt khác, với thu nhập còn thấp nên phần đông người lao động trong các khu công nghiệp về cơ bản chỉ đủ nuôi sống bản thân, phần tích lũy không đáng kể nên khó có điều kiện sử dụng các dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao ở bên ngoài bởi chi phí cao. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa dành thời gian để tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân.

Tập trung nâng cao đời sống văn hóa tinh thấn cho công nhân

Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, trong thời gian tới, các cấp, ngành sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức cho công nhân và người sử dụng lao động về xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng các mô hình và từ bước phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân; phát triển các phong trào văn hóa, thể thao “nghe công nhân hát, hát cho công nhân nghe”, câu lạc bộ công nhân… Tất cả hướng mục tiêu đến năm 2020 có 80% công nhân và người sử dụng lao động được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoàn thành phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa phục vụ công nhân; 70% doanh nghiệp tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân; 70% công nhân được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; 80% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa theo quy định.

Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, thực hiện nhiệm vụ đó, hiện đơn vị đã trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm thi đấu Thể dục, thể thao ở TP Cam Ranh; Khu sinh hoạt Văn hoá, thể thao Khu Công nghiệp Suối Dầu. Tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quan tâm, đầu tư hạ tầng, thiết chế văn hóa, bố trí quỹ đất và kinh phí để xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi, nhà gửi trẻ, khu vui chơi, giải trí cho công nhân lao động. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn sẽ tập trung tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của công nhân. Nhân rộng mô hình xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá. Đưa các hoạt động của công đoàn hướng về cơ sở và lấy người lao động làm trung tâm để tổ chức. “Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương. Ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nên kết hợp với địa phương để cùng nâng cao đời sống văn hóa cho người dân địa phương cũng như cho các công nhân”, ông Hòa cho hay.

Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao cho biết: Việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân là rất cần thiết, nhất là xây dựng các khu thiết chế văn hóa phục vụ công nhân. Bời vì, hiện nay đời sống văn hóa của công nhân trên địa bàn tỉnh còn rất nghèo, chưa được hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, khi đã hình thành các khu thiết chế văn hóa, đơn vị chủ quản cần điều hành hoạt động phát huy tác dụng, tránh việc đầu tư xong rồi bỏ phí, nghèo nàn hoạt động. 

VĂN GIANG

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9975574
Online
Hiện có: 34   Khách