Thứ Sáu, 19/04/2024 11:46

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  20/12/2022 11:52     

Nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động


Công nhân lao động Công ty FLD Việt Nam

Nhu cầu tiêu thụ trên thế giới và trong nước giảm sút, đơn hàng bị cắt giảm khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm kiếm đối tác mới, ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ).

Đơn hàng bị cắt giảm…

Thời điểm này như mọi năm, 40 chiếc máy dệt thành phẩm của Công ty TNHH MTV Phát triển trang phục Phụ nữ kiểu Pháp (FLD Việt Nam) ở Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm) luôn phải chạy hết công xuất 24/24 giờ mới kịp giao hàng cho đối tác. Nhưng kể từ tháng 10/2022 đến nay, Công ty buộc phải tắt 38 máy và chỉ duy trì hoạt động của 2 máy. Hàng trăm lao động của xưởng dệt phải điều chuyển sang làm việc ở bộ phận khác, một số nghỉ không lương. Ông Võ Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty FLD Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp mới phục hồi sản xuất thì giờ lại phải gánh chịu ảnh hưởng bới suy thoái, lạm phát toàn cầu. Từ đó, khiến đơn hàng mà Công ty đã ký với các đối tác ở Mỹ đến tháng 6/2023 bị cắt do dừng tiếp nhận hàng. Để duy trì việc làm, thu nhập cho gần 1.000 công nhân, công ty đã phải nỗ lực tìm kiếm thêm các đối tác khác, chú trọng sản xuất hàng may mặc phục vụ thị trường trong nước và Châu Âu. Tuy nhiên, hoạt động may mặc cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu việc làm. Bởi vì các đơn hàng chỉ duy trì được đến hết tháng 3/2023. Do vậy, hiện công ty vẫn đang ráo riết tìm kiếm thêm đối tác và nghiên cứu các giải pháp khác để duy trì việc làm, sản xuất.

Tại Công ty TNHH Thực phẩm Sakura, mọi năm, công nhân phải tăng ca liên tục mới đủ hàng để giao cho các đối tác. Thế nhưng, hiện nay Công ty đang phải cho hơn 230 lao động nghỉ việc luân phiên. Kể từ tháng 6/2022, các đơn hàng xuất khẩu thủy sản của đơn vị bị cắt giảm do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga – Ucraina, lạm phát toàn cầu. Để giữ chân NLĐ nên Công ty buộc phải giảm giờ làm của công nhân. Hiện lãnh đạo Công ty đang tích cực liên hệ với các đối tác ở nhiều nước để ký kết đơn hàng mới nhằm duy trì sản xuất, việc làm cho NLĐ trong thời gian tới. Tương tự, một lãnh đạo Công ty TNHH chế biến thủy sản T.T chia sẻ, từ đầu quý 3/2022, các đơn hàng giảm dần nên Công ty chỉ duy trì việc làm cho công nhân theo giờ hành chính nhằm giữ chân họ. Nhiều tháng qua, Ban Giám đốc công ty liên tục phải đi nước ngoài để tìm kiếm thêm đơn hàng mới…  

Công nhân giảm thu nhập

Vì doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, NLĐ thiếu việc làm dẫn đến thu nhập cũng bị giảm đáng kể. Chị L.T.H, công nhân Công ty TNHH Thực phẩm Sakura cho biết, trước đây đơn hàng nhiều, công nhân làm việc đủ công và hàng tuân liên tục phải tăng ca.Vì thế thu nhập của NLĐ đạt 9 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Nhưng thời gian qua, Công ty không có đơn hàng, công nhân phải nghỉ việc luân phiên, mỗi tháng chỉ được 10 đến 15 công và không tăng ca nên thu nhập giảm chỉ còn 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Với khoản thu nhập đó đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của công nhân. “Thu nhập giảm, nhưng giá cả thị trường lại tăng cao, tiền trọ cũng không được giảm. Vì thế, mấy tháng qua tôi phải dè dặt trong chi tiêu để lo ăn học cho 2 con và sinh hoạt trong nhà. Tiền trọ tôi đang phải khất nợ 2 tháng. Mong sao công ty sớm có đơn hàng để chúng tôi có nhiều việc làm, ổn định thu nhập lo cho cuộc sống”, chị H chia sẻ.

Công nhân thiếu việc làm, trong khi Tết đang đến gần nên nhiều công nhân đang lo lắng không biết lấy gì chi tiêu dịp Tết. Chị V.T.P.T, công nhân Công ty TNHH Sodex Toseco cho biết: “Trước đây, đơn hàng nhiều, tôi còn nhận hàng về nhà làm thêm, mỗi tháng cũng được hơn 9 triệu đồng, nhưng từ tháng 4/2022 đến nay hàng ít nên giờ thu nhập giảm chỉ còn 4 triệu đồng/tháng. Giờ cận Tết, Công ty vẫn chưa có đơn hàng nhiều, đồng nghĩa thu nhập của chúng tôi chưa được tăng lên. Không biết, Tết này gia đình lấy gì để mua sắm, chi tiêu”…

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, đơn hàng giảm nên buộc một số doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm việc làm của NLĐ. Tuy nhiên mức độ không lớn như một số tỉnh, thành ở phía Nam. Hiên những doanh nghiệp bị ảnh hưởng vẫn đang cố gắng duy trì việc làm, thu nhập để giữ chân NLĐ và tìm kiếm đối tác mới. Toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp cắt giảm hơn 200 lao động và có gần 500 lao động bị giảm việc làm. Chính vì vậy mà thu nhập của một bộ phận NLĐ cũng giảm đáng kể.

Sẻ chia để vượt khó

Ông Võ Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty FLD Việt Nam cho biết, công ty tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay là nhờ công lao, đóng góp, sự đoàn kết, sẻ chia của NLĐ. Vì vậy, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu, công ty vẫn cố gắng bố trí và duy trì việc làm, thu nhập cho NLĐ. Hiện công ty đang cân đối lại các nguồn tài chính để xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho NLĐ. Dù khó khăn, Tết năm nay công ty sẽ có thưởng 80% của 1 tháng lương cho công nhân. Mong rằng công nhân sẽ tiếp tục sẻ chia, đồng hành với doanh nghiệp để vượt khó. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đề xuất Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương cần nghiên cứu bỏ phần tính lãi nợ bảo hiểm cho doanh nghiệp; giảm bớt hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm; tăng phần hỗ trợ giảm thuế cho công ty; chưa nên tính áp tăng giá điện. Từ đó giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp để dùng nguồn lực chăm lo cho công nhân.

Để chia sẻ và giữ chân NLĐ, mỗi tháng, Công ty TNHH Thực phẩm Sakura đã cố gắng hỗ trợ thêm 100.000 đồng cho công nhân để góp phần trang trải cuộc sống. Lãnh đạo công ty chia sẻ, sự hỗ trợ này của công ty không lớn nhưng đó là tình cảm, sẻ chia lúc khó khăn. Đơn vị rất mong NLĐ hỗ trợ khó khăn, gắn bó để công ty tìm hướng vượt khó, phục hồi sản xuất ổn định trở lại…

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các cấp công đoàn bám sát để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, khó khăn của doanh nghiệp, NLĐ để kịp thời có phương án hỗ trợ. Đến nay, qua nắm bắt, tuy một số doanh nghiệp cắt giảm việc làm, nhưng tình hình tư tưởng của công nhân khá ổn định. Đồng thời, các cấp công đoàn cũng đã và đang tập trung chuẩn bị triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ. Trong đó, dành nhiều sự quan tâm chăm lo đến những lao động bị mất việc làm, giảm việc làm, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả với phương châm đồng hành, sẻ chia để tất cả đoàn viên, NLĐ đều có Tết.

VĂN GIANG

 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9908646
Online
Hiện có: 40   Khách