Thứ Năm, 18/04/2024 19:14

MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

  27/01/2018 00:00     

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (02/02/1908 – 02/02/2018), lãnh tụ đầu tiên của Công đoàn Việt Nam


Đ/c Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN dâng hương cụ Nguyễn Đức Cảnh

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, là người sáng lập và chỉ đạo Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn LĐVN). Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, đức hy sinh cao cả, cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho dân, cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Sớm có lòng yêu nước, quan tâm cuộc sống nghèo khổ của những người lao động, ngay khi đang là học sinh Trường Thành Chung (Nam Định), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã cảm nhận sâu sắc với các cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm của công nhân nhà máy, công xưởng, thời gian lập hội tương trợ giúp đỡ học sinh nghèo, diễn kịch, quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, tham gia phong trào thanh niên học sinh bãi khóa để phản đối khủng bố của thực dân Pháp, tổ chức hoạt động đòi ân xá cụ Phan Bội Châu (1925), truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1926), nên bị đuổi học.
Cuối 1926, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội sinh sống và hoạt động, đồng chí làm thư ký cho hiệu ảnh Hưng Ký rồi dạy học tại trường Công Ích, một trường tư nhỏ ở Bạch Mai, sau đó, vào làm thợ lắp chữ tại nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội. Tại đây, được làm việc và tiếp xúc với nhiều sách báo, đồng chí đã thấm thía nỗi khổ nhục của người công nhân mất nước và quyết tâm đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp công nhân.
Ban đầu Nguyễn Đức Cảnh tham gia nhóm “Nam Đồng Thư Xã” ở Hà Nội, một nhà xuất bản có in sách báo tiến bộ, nhóm đã tập hợp được một số trí thức, công chức, sinh viên, nhân sỹ, mong muốn tìm con đường cứu nước và quyết định thành lập tổ chức chống Pháp (25/12/1927) lấy tên Việt Nam Quốc dân Đảng. Để chuẩn bị cho sự kiện này, tháng 9/1927, Nguyễn Đức Cảnh được cử sang Quảng Châu, Trung Quốc tham dự một lớp tập huấn chính trị quan trọng theo chương trình của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí đã nghiên cứu rất kỹ cuốn “Đường cách mệnh” và nhận thấy rằng đường lối của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cách mạng nước ta, nên khi về nước đã ly khai Việt Nam Quốc dân Đảng. Sự kiện gia nhập tổ chức Thanh niên đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Nguyễn Đức Cảnh và nhanh chóng trở thành người hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, dấn thân vào phong trào công nhân.
Với nhiều trọng trách được giao, nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm nhưng với phương pháp vận động cách mạng được tiếp thu và vận dụng hiệu quả, đồng chí đã khắc phục khó khăn từng bước, củng cố phong trào công nhân. Năm 1928, Nguyễn Đức Cảnh tham gia vào BCH Kỳ Bộ “Thanh niên” Bắc kỳ và là Bí thư Tỉnh bộ “Thanh niên” Hải Phòng, đồng chí đã cử nhiều cán bộ, hội viên của mình đi "vô sản hóa" ở khu mỏ và chính mình cũng tham gia trực tiếp vào làm thợ quai búa ở xưởng cơ khí Carông, làm phu khuân vác ở bến cảng Hải Phòng, vừa rèn luyện bản thân, vừa tiếp xúc với công nhân, có cơ hội để tuyên truyền vận động giác ngộ cách mạng cho họ. Nguyễn Đức Cảnh đã chỉ đạo mở lớp huấn luyện chính trị, văn hoá để nâng cao trình độ cho công nhân và trực tiếp giảng bài. Đồng chí đã tích cực soạn thảo tài liệu học tập và viết bài cho các báo "Đồng lòng tranh đấu", "Tin tức", "Cờ đỏ" để tuyên truyền trong công nhân lao động. Hoạt động này đã có tác dụng rõ rệt, cơ sở cách mạng phát triển, phong trào công nhân lên cao.
Trước tình hình đó, Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí của mình nhận thấy phát triển nhanh chóng của phong trào công nhân Hội thanh niên không thể đáp ứng được và cần phải có tổ chức Đảng lãnh đạo. Tháng 3/1929, Nguyễn Đức Cảnh đã cùng với một số đồng chí khác tổ chức thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội làm nòng cốt lãnh đạo phong trào công nhân và bàn kế hoạch chuẩn bị thành lập Đảng. Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, Nguyễn Đức Cảnh được bầu vào Ủy viên BCH Trung ương lâm thời của Đảng, phụ trách công tác công vận và làm Bí thư thành ủy Hải Phòng. Đồng chí đã tổ chức và trực tiếp chỉ đạo nhiều cuộc bãi công của công nhân trong các nhà máy tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và vùng mỏ Quảng Ninh giành thắng lợi, đồng thời lo lắng tổ chức các Công hội, tiến hành vận động tổ chức Đại hội Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ.
Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội, Đại hội đại biểu Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc, đ/c Nguyễn Đức Cảnh chủ trì và đọc Báo cáo tổng kết hoạt động của phong trào công nhân và Công hội đỏ Việt Nam. Đại hội quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, thông qua Điều lệ Tổng Công hội đỏ, ra báo "Lao động" và tạp chí "Công hội đỏ" làm cơ quan ngôn luận. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Đại hội nhất trí bầu làm người đứng đầu BCH lâm thời, phụ trách báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ.
Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ ra đời đã tác động rộng rãi đến phong trào công nhân cả nước. Chỉ sau thời gian ngắn, lần lượt các tổ chức Công hội Đỏ Vinh – Bến Thủy, Đà Nẵng, Sài Gòn – Chợ Lớn, miền Đông Nam Bộ… được thành lập. Đến cuối năm 1929 số hội viên công hội đỏ cả nước có khoảng 9.000 người, trong đó khu vực Bắc Kỳ có gần 5.000 hội viên. Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ ra đời là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành và thống nhất tổ chức của phong trào công nhân ở cấp kỳ.
Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long gần Hương Cảng, Trung Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng ở Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì, Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cử là đại biểu đại diện Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy bắc Kỳ, đ/c Nguyễn Đức Cảnh luôn quan tâm chỉ đạo công tác vận động, giáo dục và tổ chức công nhân đấu tranh. Đồng chí trực tiếp viết các truyền đơn, bài báo để tuyên truyền, hướng dẫn phong trào, trực tiếp mở các lớp huấn luyện công vận, giúp đào tạo nhiều cán bộ cho Đảng, cho Công hội.
Tháng 10/1930, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử vào Trung Kỳ để tăng cường chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tham gia Thường vụ Xứ ủy, phụ trách tuyên huấn, đồng chí đã lăn lộn, tích cực phát triển phong trào công nhân, rèn luyện đội ngũ, xây dựng báo Đảng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Cuối tháng 4/1931, trong lần đi công tác, Nguyễn Đức Cảnh bị mật thám bắt ở làng Yên Dũng hạ (nay thuộc phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An). Những ngày trong xà lim Hỏa Lò, Nguyễn Đức Cảnh dồn hết tâm huyết để viết tác phẩm: “Công nhân vận động”. Đây là tài liệu vừa có tính lý luận, vừa tổng kết kinh nghiệm thực tiễn phong trào công nhân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Mặc dù bị địch tra tấn rất dã man, dùng đủ mọi cực hình, song với bản lĩnh và ý chí kiên cường, một lòng trung thành với dân, với Đảng của Nguyễn Đức Cảnh, thực dân Pháp đã không thực hiện được ý đồ của mình và quyết định đưa đồng chí ra toàn án xét xử với mức án tử hình. Ngày 31/7/1932, Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp hành quyết tại nhà lao sông Lấp, Hải Phòng, đồng chí hy sinh anh dũng ở tuổi 24, đã để lại niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào, công nhân lao động và hội viên cán bộ Công hội.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, nhiều hoạt động tri ân công lao đồng chí được tổ chức trang trọng khắp cả nước, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ và cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân lao động. Công đoàn tỉnh Khánh Hòa coi việc tổ chức nghiên cứu, học tập và noi gương cuộc đời và sự nghiệp của đ/c Nguyễn Đức Cảnh chính là tiếp tục đúc rút những bài học quý báu cho hoạt động của mình, đó là:
Thứ nhất, công đoàn phải thấy được tầm quan trọng của công tác vận động công nhân, muốn vận động hiệu quả cần phải tập hợp được đa số công nhân, đưa vào đoàn thể và tổ chức cho đoàn viên, hội viên, công nhân hoạt động, bảo vệ mang lại quyền lợi cho họ.“Công tác phát triển cơ sở cách mạng phải lấy lực lượng công nhân làm nòng cốt, phải tăng cường công tác vận động công nhân”;“Điều cốt yếu là phải phát triển củng cố vị trí của Đảng trong giai cấp công nhân” .
Thứ hai, cán bộ công đoàn phải được rèn luyện trong thực tiễn, nâng cao ý thức và bản lĩnh, luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân; thường xuyên liên hệ mật thiết với đoàn viên và người lao động; gần gũi sâu sát, biết lắng nghe ý kiến, thấu hiểu nguyện vọng của họ để tận tụy phục vụ và tìm cách giải quyết phù hợp. “Chỉ có cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tranh đấu với cong nhân mới có thể tuyên truyền giác ngộ và xây dựng được tổ chức cách mạng”.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền vận động, bồi dưỡng và nâng cao lý tưởng cách mạng, sử dụng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp để giác ngộ công nhân, đoàn viên, hội viên, nhằm nâng cao nhận thức, chỉnh đốn tác phong thái độ làm việc, hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình để tự bảo vệ quyền lợi, hoặc yêu cầu công đoàn bảo vệ. “Vào công nhân phải thận trọng, mỗi người một tính, một nết, liệu mà nói, đón việc mà làm. Muốn tuyên truyền giác ngộ quần chúng phải gây được cảm tình với quần chúng. Họ mến thì họ nghe. Họ nghe thì họ theo”.
Thứ tư, phải luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn, cán bộ làm công tác công vận, từ việc cân nhắc tuyển chọn, giới thiệu tham gia ban chấp hành, đến việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động. “Phải tăng cường công tác vận động công nhân. Nhiệm vụ này có thể giao cho số thành niên, vì họ có đủ năng lực thực hiện, đồng thời cũng qua công tác thực tế này, họ được tự rèn luyện để trở thành người đảng viên cộng sản chân chính”.
Thứ năm, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, tìm phương án thích hợp, sử dụng hình thức, biện pháp linh hoạt nhất để đạt được mục đích, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Xây dựng tập thể lao động đoàn kết, nhất trí cao, luôn ý thức xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.“Chỉ có đi vào giai cấp công nhân, người cách mạng mới tìm ra chủ trương và phương pháp đấu tranh đúng”.
BBT
 

 

Tìm kiếm
Video clip

 

Thông báo
Lượt truy cập
Số lượt truy cập : 9906852
Online
Hiện có: 23   Khách